-->

Quế chi

Sách Trửu hậu bách nhất phương nói:

Phương thuốc chữa bệnh thốt nhiên đau tim - Bột Quế hoặc bột Can khương, dùng gồm cả 2 vị, hoặc dùng riêng 1 vị cũng được, mỗi lần uống một cùi dìa nhỏ chiêu với rượu ấm, chốc lát lại uống, độ 6, 7 lần thì khỏi.

Phương thuốc chữa bệnh tim bụng đau trướng, ngắn hơi như muốn ngất đi, hoặc đã ngất rồi cũng uống được: Quế 3 lạng, nước 3 bát, đun còn 1 bát uống hết 1 lần. 

Sách Bản thảo cương mục nói rằng: 

Quế

Khí vị: Ngọt, cay, rất nóng, có tiểu độc

Chủ trị: Chứng Hoắc loạn mà chuyển cân (tức là bệnh chuột rút) nhức đầu, đau lưng, mồ hôi ra, chỉ phiền, chỉ nhổ, ho hắng, ngạt mũi, đoạ thai, ôn trung, cứng gân xương, thông huyết mạch, sơ thông điều lý chứng bất túc, tuyên thông và hướng đạo mọi thứ thuốc (Biệt lục).

Bổ Hạ tiêu bất túc, chữa bệnh trầm hàn cố lãnh (lạnh ngấm ngầm đã lâu ngày) (giữa lược) chứng biểu hư mồ hôi tự ra, đau bụng dưới.

Chữa bệnh hàn tý, chứng trúng phong cấm khẩu, và những chứng vì lạnh quá mà sinh ra như : mất máu, tả, lỵ, kinh, cam v.v... (Thời Chân). 

Quế tâm

Khí vị: đắng cay không độc

Chủ trị: chữa 9 loại bệnh đau tim, chữa những chứng vì khí lạnh nhiễm vào mà sinh ra như đau bụng không thể nhịn được, hoặc tà khí kết tụ sưng buốt, chân tê cấu không biết đau, hạ lỵ,.v.v…(giữa lược) trong mũi có thịt thừa, có tác dụng phá huyết, thông kinh bế, chữa đàn bà đẻ mà nhau không ra (Chân Quyền).

Chữa tất cả mọi chứng phong, khí (giữa lược), thông cửu khiếu, lợi các đốt xương, thêm tinh khí, sáng mắt, ấm lưng, gối, chữ bệnh Phong tý mọi đốt xương co rút (giữa lược) sinh da thịt, tiêu ứ huyết, tiêu hiền tích (bệnh báng) và bệnh trưng, bệnh hà, chế được độc thảo mộc (Đại minh), bán thân bất toại mà cấm khẩu, hầu tý, vì  dương hư sinh ra mất máu, hoặc ung thư, bệnh đậu mùa dùng làm thuốc uống trong để vén gọn nốt đậu, nó có thể dẫn độc-huyết hóa ra mồ hôi, và hóa lên mủ (dưới lược) (Thời Chân).

Mẫu quế

Khí vị: cay ấm không độc

Chủ trị: thở hồng hộc, ho sặc sụa (giữa lược), lợi các đốt xương, bổ trung mà ích khí (dưới lược) (Bản kinh) đau tim, đau sườn, gió vào sườn, ấm gân, thông mạch, chỉ phiền, chỉ mồ hôi (Biệt lục), trừ hết bệnh đau nhức vì gió lạnh sinh ra (Chân Quyền).

Chữa bệnh cảm mà nhức đầu, mở thớ chân lông, giải biểu, phát hãn, trừ hết phong thấp ở bì phu (Nguyên tố), lui được bệnh bôn đồn, tan được những súc huyết ở hạ tiêu, có lợi cho Phế khí (Thành Vô Kỉ), chữa bệnh Thống phong, nó có tính dẫn được thuốc đi ngang ra cánh tay (Chấn Hanh).

Sách Hòa lan dược kính nói rằng: 

Quế

Công hiệu đã thí nghiệm: có tính dung hòa làm ấm mạch thần kinh, có tính hoạt bát làm kiện vận tinh khí, săn chắc được mạch quản đã bị rão mềm, dùng chữa mọi chứng yếu ớt mỏi mệt,có thể vãn hồi được tinh lực,là vị cốt yếu trong tễ thuốc tráng thần.

Người mắc bệnh thần kinh nhiệt có vẻ yếu mệt bì bịch, bệnh sốt có tính dai dẳng hao mòn, nhất là kiêm chữa được mọi chứng bệnh ở dạ dày, ruột có công hiệu, người kiệt sức mắc bệnh sốt mà lại nôn ọe dùng Quế làm bào tễ (Quế ngâm nước sôi) tốt.

Có công hiệu tốt về kiện vị và khu phong, cho nên vị trường suy yếu mà lợm lòng nôn ọe, hoặc phát ra chứng hạ lợi, hoặc kiêm mọi chứng phong khí bĩ trệ, mà chữa lẩn quẩn mãi không khỏi, (giữa lược), dùng nó phần nhiều có công hiệu.

Phát tiết cái khí nóng ngùn ngụt như hơi chõ sôi ra ngoài biểu, thông lợi tiểu tiện, chữa những bệnh lưu ẩm mà tinh lực hư tổn, bệnh thủy thũng do chất thủy độc đình trệ không đủ sức vận chuyển.

Nuy hoàng bệnh (Chlorosis) là mọi chứng bệnh hư nhược của người con gái ở vậy, hoặc đàn bà vì uất ức, lo buồn, khốn khổ, bần cùng, nguy bách chẳng hạn, lao thương về nghĩ ngợi nhớ nhung mà phát ra mọi bệnh hư tổn,gia vị Kỷ ninh (Quinine) và Thiết tiết (chất sắt) vào với Quế mà làm thuốc bột cho uống, nhiều khi có hiệu nghiệm.

Chữa mọi bệnh phát ra vì đau tử cung, và đàn bà có mang mà yếu đuối, hoặc đàn bà khi lâm sản tinh lực thiếu sút mà phát ra chứng gân thịt vặn bó, thượng xung, thượng nghịch, hoa mắt chóng mặt xây xẩm,.v.v…tiến lên 1 bậc nữa là dùng thuốc thôi sinh, thuốc ra nhau, và thuốc hạ tử thai.

Chữa đàn bà vì thiếu máu nên huyết dịch không thể nào được đầy đủ ở nơi động mạch của Tử cung mà phát ra chứng kinh bế (chứng kinh bế này phần nhiều là bệnh Nuy hoàng) hoặc do động mạch ở tử cung bị sa trễ yếu mềm, mất cả cái sức hãm rút, lại làm ra bệnh kinh nguyệt quá nhiều.

Mọi chứng thất huyết thuộc về loại hư nhược, trong vị Quế gia thêm thuốc thu liễm như thiết tễ chẳng hạn, làm thuốc bột mà dùng, được nhiều công hiệu.

Sau khi đã khu trục được những bệnh độc của bệnh hạ lợi, bệnh lậu, bệnh bạch đới hạ rồi, mà bệnh vẫn còn lẩn quẩn mãi không chữa được rứt, trong phương thuốc hoàn tán đối chứng, dùng thêm bột Quế lẫn vào càng tốt.

Quế thủy

Vị khí thơm ngát, làm khoan khoái tinh thần, tính ôn, mạnh được những chứng hư lãnh, nên những bệnh đầu óc suy nhược, thần kinh suy nhược, vị trường suy nhược,v.v…vì hư lãnh mà sinh ra, dùng nó đều có thể mạnh khỏe lên được, có cái công hiệu đặc biệt là: phá khí, khu phong, trấn kinh, dùng vào tất cả mọi chứng hư thoát, là thứ thuốc vãn hồi tinh lực rất tốt.

Bệnh tử cung, bệnh suyễn thở, hoặc bán thân bất toại hoặc tay chân co giật và vặn vẹo cứng cỏi từng cơn (kinh giản) v.v…dùng Quế lộ vắt thêm vào vài giọt nước chanh cho thích nghi, có hiệu nghiệm tốt đẹp.

Có thể làm cho những dãi đặc dính sát trong phế quản bị loãng dần mà khạc ra được, khoan khoái ngực phổi, chữa mọi chứng hen suyễn đờm kéo sặc sụa, thở hút hổn hển chẳng hạn, dùng phương dưới đây rất có công hiệu.

Quế thông cứu suyễn ẩm (dưới lược)

Sách Hòa hán dược vật khảo nói rằng: 

Quế bì (Cortex cinnamomi). Thành phần là Huy phát du (Quế bì du) có từ 1g đến 1,5g phần trăm những chất nhựa cây, chất hộ mô (Gum) chất đường, chất đan ninh toan (Tannic acid)

Sách dược vật học nói rằng:

Tác dụng của Huy phát du có tác dụng kích thích bì phu, ngoài ra còn có ít nhiều tác dụng về phòng hủ (giữ cho khỏi thối) nữa, vả lại cho dùng đúng phân lượng, có cái công hiệu mạnh dạ dày, dùng làm thuốc hút, giữ được nơi khí đạo khỏi thối, lại rút bớt chất nước ở đấy ra ngoài, cho nên chứng Phế hoại thư (Gangraens pulmonum) hoặc chứng sưng khí quản chi đã nung mủ chẳng hạn mà dùng nó làm thuốc uống trong cũng khiến cho một bộ phận trong khí đạo phân tiết được chất xấu xa, có cái hiệu quả cũng y như thuốc hút, lại như dùng thuốc để bài tiết nước tiểu thì nước tiểu thì nước tiểu được tăng lợi và đỡ khai. Lại như hai, ba vật chất này để ứng dụng vào mọi bệnh có thần kinh tính: như thuốc thơm hắc vị đắng, thuốc thơm ngào ngạt và thuốc rất cay, đều có bao hàm chất Huy phát du cả, cho nên có đôi chút tác dụng phòng hủ, có thể thấm vào nơi tổ chức ở màng dính trong bì phu, cho nên có cái tác dụng làm kích thích ở một bộ phận nào, nếu dùng thuốc ấy dán vào bộ phận nào thì chỗ đấy bị tấy nóng và dồn máu, nếu dùng lâu cái vật kịch liệt ấy thì nhóm lên các viêm chứng (bệnh sưng) phát ra chứng thủy bào (phỏng dạ) đau nhức, cho nên những sinh dược có bao hàm Huy phát du tới cái mậc nhất định, lại là thứ thuốc dùng để kích thích bì phu có công hiệu, đem dùng làm thuốc uống trong, thì nó kích thích ở màng da mỏng của vị trường , kết quả là một mặt nó phản xạ ra bộ phận khác, một mặt nó làm nơi đó bị sung huyết, khiến cho cái cơ năng ấy tiến mạnh quá, vả lại nhờ cái mùi thơm của nó, cũng cùng vì do sự phản xạ lên mồm mũi, cho nên dùng nó làm thuốc kiện vị thì hiệu lực so với những vị thuốc đắng lại vĩ đại hơn nhiều, song nó rất kịch liệt, nếu cho uống nhiều quá, thì phát lên chứng sưng tấy rất nặng, trái lại nếu dùng đều đều thì chữa được bệnh ở dạ dày thuộc loại mạn tính.

Huy phát du đến ruột, làm cho cái cơ năng ở đấy tiến mạnh quá, hưng thịnh sự máy động vận động, thế cho nên những dược vật có bao hàm Huy phát du, đều có thể dùng làm thuốc khu phong được, nhưng nếu dùng đại lượng, thì phát lên chứng đau bụng, thổ tả, và dồn nhiều máu vào đến màng da mỏng ở bụng với các tạng khí tiếp cận, thế cho nên về loại dược vật này, có lúc dùng làm thuốc thông kinh, có lúc lại làm cái nguyên nhân sinh ra bệnh dong huyết và đẻ non nữa.

Dùng Huy phát du với lượng thông thường, tuy không thể bảo là có cái tác dụng hấp thu, song 1 phần nó tự phổi bài tiết cho dễ khạc đờm, cho nên ứng dụng nó vào bệnh tật ở khí quản chi, lại 1 phần cùng với chất toan lẫn đạm khí vào trong nước tiểu mà đi ra ngoài, làm cho tiểu tiện thông lợi, nhưng dùng nhiều quá thì thích kích tạng thận, phát lên những chứng đi tiểu ra chất lòng trắng trứng.

Do cách thuyết từ sách Chửa hậu bách nhất phương đến sách Hòa lan dược kính thì biết vị Quế chi có những tác dụng phát hãn, giải nhiệt và chỉ hãn, tác dụng trấn tĩnh (lui bệnh thượng xung) trấn kinh (chữa bệnh Kính), trấn thống (khỏi đau nhức), tác dụng thúc đẩy mạnh, mạnh tim cường tráng, tác dụng trừ đờm, tác dụng kiện vị, khu phong, tác dụng sơ thông ứ huyết, thông kinh, thôi sinh và ra nhau, hạ tử thai, tác dụng thông lợi tiểu tiện, tác dụng chế thức ăn, chế mùi.

Ở sách Hòa hán dược vật khảo thì bảo chủ yếu thành phần của vị Quế chi là có bao hàm Quế bì du với Huy phát du, cho nên trong sách Dược vật học chép cái tác dụng và công hiệu về chữa bệnh của Huy phát du, có thể bảo tức là cái tác dụng và công hiệu về chữa bệnh của vị Quế chi, thế thì vị Quế chi có mọt tác dụng là phòng hủ, kích thích bì phu, trấn tĩnh, trấn kinh, kiện vị, khu phong, thông kinh, trừ đờm, thông lợi tiểu tiện đã rõ ràng lắm rồi, nay có thể bảo đã lấy một phần nhỏ của Khoa học để chứng minh cho Cựu học thuyết, lại như cái lý do mà đức Trọng sư hay dùng Quế chi, cũng có thể gọi là hơi xiển minh lắm rồi.

Tuy nhiên đến khi tới giường bệnh nên lấy cái thể chất da dẻ rão thưa mà chùng răn, và tự ra mồ hôi với chứng thượng xung làm chủ mục đích, các thuyết ghi trên đây làm phó mục đích để làm ứng dụng vị Quế chi mới có thể được, nay lại nên xét thêm thuyết sau đây:

Sách Dược trưng nói rằng:

Vị Quế chỉ chủ trị bệnh thượng xung, gồm chữa bệnh bôn đồn, nhức đầu, phát sốt, ghét gió, mồ hồi tự ra, và thân thể đau nhức nữa.

Sách Khí huyết thủy dược trưng trong điều Quế chi có nói rằng: (trên lược) như thế đều là chứng xung khí (xung động thần kinh) cả, ở biểu làm những bệnh nhức đầu, ghét rét, đau nhức, ở lý thì làm bệnh quý (hồi hộp) bệnh thượng xung (giữa lược), nếu tiểu tiện không lợi thì có Quế chi, nếu tiểu tiện tự lợi thì không nên dùng Quế chi.

Hoàng-nham Chu-Tử xét: phải dùng Quế chi tiêm mới được công hiệu.

- Trích sách Hoàng Hán Y Học -

Hình ảnh vị Quế chi:

Quế chi tiêm

Quế tiêm (Quế chi)



0/Post a Comment/Comments