-->

Học thuyết Âm Dương gồm những nội dung cơ bản gì?


Âm dương đối lập


Đối lập là nói về hai mặt tương phản lẫn nhân trong cùng một sự vật, hiện tượng. Ví như: tĩnh với động, ngày với đêm, sáng với tối, hàn với nhiệt, trước với sau.

Trương Cảnh Nhạc trong “Loại kinh phụ dực – Y dịch” viết: “tĩnh có thể trấn áp được cực động, dương có thể thắng được âm cực kháng”. Đó là lý luận của Trương Cảnh Nhạc vận dụng tác dụng đối lập, chế ước này trong điều trị bệnh tật.

Ý nghĩa: Âm dương đối lập, tương phản dẫn đến âm dương chế ước lẫn nhau, điều này rất quan trọng

Về sinh lý: sự đối lập này dẫn đến việc âm dương chế ước lẫn nhau làm cho sự vật đạt được giữ trạng thái cân bằng động.

Về pháp điều trị của Y học cổ truyền: lấy ôn dược để tán hàn, lương dược để thanh nhiệt.

Vậy theo bạn đọc thì có khi nào âm dương chế ước lẫn nhau đến mức cân bằng hoàn toàn không? Khi đó sẽ xảy ra vấn đề gì?

Âm dương hỗ căn hỗ dụng

Đây là một góc nhìn khác từ âm dương đối lập. Vì âm dương là mối quan hệ dựa vào nhau, có chung một nguồn gốc.

Âm dương là hai mặt của một sự vật. Một sự vật, một hiện tượng thì phải có hai mặt thì mới có thể tiến hành so sánh được, đó chính là tính tương đối của âm dương như đã nói ở bài trước.

Tức là giữa hai phần âm dương chúng  không thể tách ly mà tồn tại độc lập được. Mỗi một phần đều tồn tại nhờ phần đối lập kia làm điều kiện, làm tiền đề cho sự tồn tại của mình. Đó gọi là “hỗ căn”.

Trong đó chữ “căn” nghĩa là căn bản, là gốc. Như sách “Y quán” thiên Âm Dương luận nói: “âm dương đều có nguồn gốc từ nhau. Dương có nguồn gốc từ âm, âm bắt đầu từ dương, vô dương tất âm không thể sinh, vô âm tất dương không thể hóa”.

Hỗ dụng” là nói về tác dụng thúc đẩy, trợ giúp, kiềm hãm lẫn nhau của hai mặt âm dương. Sách “Tố vấn” thiên Sinh khí thông thiên luận nói: "Âm tàng tinh trong cơ thể nhưng thường xuyên hóa sinh thành dương khí. Dương khí bảo vệ cơ thể bên ngoài lại giữ gìn âm tinh bên trong".

Âm dương tiêu trưởng

Tiêu tức là thu nhỏ, tiêu mòn. Trưởng tức là phát triển, gia tăng. Âm dương tiêu trưởng là một quá trình biến hóa của âm dương dựa trên nguyên lý của đối lập chế ước, hỗ căn hỗ dụng của chính âm dương.

Bao gồm bốn hình thức:

Mặt này trưởng mặt kia tiêu: dựa trên tác dụng chế ước mà thành. Tức là một mặt vì lý do nào đó mà tăng trưởng cường thịnh. Kết quả là kìm hãm mặt đối lập của nó. Sách Tố vấn thiên Âm dương ứng tượng đại luận viết: “Âm thắng tức dương bệnh, dương thắng tức âm bệnh”. Trong Y học thường thấy trên nhiệt thịnh thương âm, hàn thịnh thương dương.

Mặt này tiêu mặt kia trưởng: dựa trên tác dụng chế ước mà thành. Tức là một mặt vì lý do nào đó mà suy yếu, không còn khả năng chế ước mặt còn lại thì tự nhiên mặt kia sẽ phát triển mạnh lên.

Mặt này trưởng mặt kia cũng trưởng: dựa trên tác dụng hỗ căn hỗ dụng mà thành. Tức là khi có sự xúc tiến, hỗ trợ thích hợp thì cả hai mặt đều tăng trưởng.

Mặt này tiêu mặt kia cũng tiêu: dựa trên tác dụng hỗ căn hỗ dụng bất cập mà thành. Do một bên suy yếu không đủ sức giúp bên kia sinh trưởng. Từ đó khiến cho cả hai mặt đều suy giảm.

Ví dụ như bốn mùa. Mùa xuân, mùa hạ dương trưởng âm tiêu. Mùa thu, mùa đông dương tiêu âm trưởng.

Khái quát lại ta có biểu đồ như sau: ví dụ lấy quân bình Âm Dương ở mức 3.




Âm Dương bình hành

Hai mặt âm dương tuy là đối lập, nhưng chúng vận động không ngừng, với mục đích là lặp lại thế cân bằng động giữa chúng.

Bởi vì sự đối lập giữa hai mặt âm dương là tuyệt đối, nhưng trong một số điều kiện nó lại là tương đối. Như đã nói ở nội dung âm dương đối lập ở trên.

Trong âm có dương, trong dương có âm. Tức là âm và dương nương tựa lẫn nhau cùng tồn tại, dựa vào nhau để phát triển. Như đã nói ở nội dung âm dương hỗ căn hỗ dụng ở trên.

Trên đây là bốn nội dung chính của học thuyết Âm Dương thường được bàn đến. Ngoài ra một số tài liệu khác còn đưa ra hai nội dung phụ như sau:

Âm Dương chuyển hóa lẫn nhau

Bản chất: đây là một hình thức vận động của âm dương đạt được khi tiêu trưởng đạt cực đại. Khi này sẽ có sự chuyển hóa qua lại giữa âm dương. Nội Kinh thiên âm dương ứng tượng đại luận có nói: “hàn cực sinh nhiệt, nhiệt cực sinh hàn”.

Điều này rất quan trọng trên lâm sàng trong các chứng chân giả. Cụ thể là:

+ Chân hàn giả nhiệt: tức là do hàn quyết bên trong khiến bệnh nhân phiền táo, vật vã,…biểu hiện như một tình trạng nhiệt chứng bên ngoài.

+ Chân nhiệt giả hàn: tức là do nhiệt quyết bên trong, dương khí không thấu đạt ra bên ngoài mà bệnh nhân có biểu hiện tay chân quyết lạnh, mạch vi muốn tuyệt,…

Đây đều là những chứng nguy cấp, nếu không nhận định chính xác mà đưa ra pháp chữa tương ứng thì bệnh nhân rất dễ tử vong.

Âm Dương giao cảm

Dẫn chứng tư liệu

Sách “Dịch truyện – Hệ từ hạ” viết:  “trời đất mịt mù, vạn vật thuần hóa, nam nữ cấu tinh, vạn vật hóa sinh”. Trong đó:

Chữ “trời đất mịt mù” là quá trình hai khí âm dương trời đất giao hội triền miên.

Chữ “thuần” là thuần khiết, ngưng tụ, chỉ hai khí âm dương giao cảm lẫn nhau dần dần ngưng kết thành vạn vật hữu hình.

Câu “nam nữ cấu tinh” là nói khí hai giới âm dương giao hội, ở đây “nam nữ” không đơn thuần chỉ là đàn ông với đàn bà, mà là đại diện cho hai loại đực cái của sinh giới

Chính nhờ có sự giao cảm của âm dương, của đất trời, của tinh hai giới đực cái mà vạn vật hữu hình mới có khả năng sinh sản, thể mới mới được hình thành.

Nguồn: https://www.sohu.com/a/213509479_754323

Sách “Nội kinh” thiên “Lục vi chỉ đại luận” cũng nói: “khí trời hạ giáng lưu dưới đất, khí đất thượng thăng cuộn ở trên trời. Vì cao thấp tương chiêu, thăng giáng tương ứng mà biến tác”.

Tóm lược nội dung học thuyết Âm Dương giao cảm

Có thể nói vận động của hai khí âm dương là cơ sở thực hiện để âm dương giao cảm, nên nếu hai khí âm dương không vận động thì cũng không thể phát sinh âm dương giao cảm.

Trạng thái đẹp nhất do hai khí âm dương tự điều hòa cân bằng trong quá trình vận động giao cảm được triết học gia cổ đại gọi là “hòa”. Như Lão tử nói “đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật, vạn vật dựa âm nhưng lại bao dương, khí xung thành hòa”.

Khí xung thành hòa” là nói hai khí âm dương trong quá trình vận động khí đạt đến trạng thái hài hòa thì phát sinh giao cảm, từ đó sản sinh vạn vật. Và khí hài hòa trong vận động được Lão tử gọi là “Khí xung”.

Nội dung âm dương giao cảm cho chúng ta thấy, hai khí âm dương vận động không ngừng. Trong quá trình vận động chúng tương thông. Khi ở trạng thái hài hòa mới phát sinh tác dụng giao cảm.

Sự giao cảm của âm dương làm cho hai mặt trái ngược, đối lập trở nên thống nhất thành một thể sản sinh ra vạn vật và vận động biến hóa không ngừng.

Ứng dụng của các nội dung học thuyết âm dương trong Y học

Học thuyết âm dương xuyên suốt mọi lĩnh vực của y học cổ truyền. Ứng dụng để giải thích chức năng sinh lý, biến đổi bệnh lý. Từ đó đưa ra phương pháp điều trị tương ứng.

Tổng kết

Nội dung của học thuyết Âm Dương là nói về quá trình biến đổi giữa Âm và Dương. Tuy nhiên xét kỹ thì thấy rằng:

Thứ nhất

Nội dung về Âm Dương đối lập là tuyệt đối khi so sánh giữa hai mặt của cùng một sự vật, một hiện tượng, một sự việc. Xin nhắc lại là chỉ dừng lại ở con số hai, không hơn. Nếu có xuất hiện mặt thứ ba thì sự đối lập này sẽ chuyển sang tương đối.

Ví dụ: có 3 cốc nước, một cốc 20, một cốc 40, một cốc 60. Ta có thể thấy rất rõ là cốc 40 so với cốc 60 thì nó thuộc Âm. Nhưng cũng cốc 40 này so với cốc 20 thì nó lại thuộc Dương. Mặc dù cùng một sự vật là cốc nước.

Thứ hai

Nội dung của học thuyết Âm Dương tiêu trưởng có phần trái ngược với học thuyết Âm Dương bình hành. Nhưng lại có phần phù hợp với Âm Dương hỗ căn.

Như nội dung học thuyết Âm Dương bình hành nói: “hai mặt âm dương vận động không ngừng để lập lại cân bằng”. Nhưng học thuyết Âm Dương tiêu trưởng về phương diện một mặt tiêu, một mặt trưởng thì lại có xu hướng phá vỡ cân bằng này. Như vậy có thể xếp Âm Dương bình hành vào mặt sinh lý. Còn Âm Dương tiêu trưởng khi này thuộc vào mặt bệnh lý được không?

Như nội dung học thuyết Âm Dương hỗ căn nói: “Âm Dương nương tựa vào nhau cùng phát triển”. Đối chiếu với hai mặt cùng tiêu hoặc cùng trưởng trong Âm Dương tiêu trưởng thì khá phù hợp. Vậy xếp chúng vào mặt sinh lý được không?

Thứ ba

Tính ứng dụng học thuyết Âm Dương tiêu trưởng trong điều trị. Cụ thể là về vấn đề một mặt tiêu, một mặt trưởng, dùng thuốc hoặc châm cứu để lập lại cân bằng Âm Dương thì không có gì bàn. Nhưng với vấn đề Âm Dương cùng trưởng hoặc cùng tiêu thì sao phải điều trị, mà điều trị kiểu gì. Ví như nói bổ khí để sinh huyết, đặc biệt ở bệnh nhân hư yếu. Vậy cứ bổ mãi thế thì sao chết được?

Xin hỏi đọc giả có nhận xét gì về vấn đề này? Bạn hãy comment dưới để cùng bàn luận nhé!

0/Post a Comment/Comments