Nhắc đến 2 từ “tự học” bản thân tôi lại thấy ngậm ngùi. Giá như bản thân biết tự học sớm hơn thì tốt. Nhưng giá như cũng chỉ là giá như thôi. Đến giờ nhìn lại, trải qua 6 năm trên học đường y khoa mà không biết đến tự học đúng là một thiếu sót lớn. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường hay đã đi làm thì tự học đều cần thiết và quan trọng.
Buồn lắm thay, có nhiều bạn cũng giống như tôi, chưa hiểu được tầm quan trọng của tự học. Ngày còn trên ghế nhà trường do hiểu sai về tự học, tôi học tập thụ động lắm, rồi lâu ngày kiến thức thụt lùi, tự ti vô cùng. Tôi thực sự biết tự học khi đã ra trường. Thú thật với các bạn, tự học thú vị vô cùng. Hiểu đúng về tự học, có phương pháp tự học sẽ giúp bản thân tiến bộ nhanh hơn bạn nghĩ! Nào, chúng ta cùng tìm hiểu về tự học.
1/ Thế nào là tự học?
Ban đầu tôi cho rằng tự học là học lấy, không cần thầy. Đây là điểm chí tử khiến việc tự học của tôi bê bết. Vậy nên hiểu tự học thế nào cho đúng? Chúng ta cùng tham khảo khái niệm dưới đây:
Tự học là quá trình con người tự giác, tích cực tiếp thu hệ thống tri thức, những kinh nghiệm từ môi trường xung quanh bằng các thao tác trí tuệ, nhằm hình thành cấu trúc tâm lý mới để biến đổi nhân cách của mình theo hướng ngày càng hoàn thiện.
Đọc xong cũng hơi khó hiểu đúng không nào? Chúng ta cùng xem thêm quan điểm của tác giả, dịch giả Nguyễn Hiến Lê về tự học nhé. Tôi xin trích nguyên văn như sau:
“Các tự điển đều cho tự học là học lấy, không cần thầy. Theo thiển ý, như vậy là sai.
Tôi đóng tiền theo một lớp hàm thụ. Người ta gởi bài cho tôi học, chỗ nào không hiểu, tôi viết thư hỏi. Người ta lại ra bài cho tôi làm, làm xong có giáo sư sửa. Như vậy là tôi học có thầy mà cũng vẫn là tự học.
Thợ thuyền ở Âu, Mỹ, buổi tối thường theo học những lớp dạy về nghề nghiệp, hoặc chính trị…. Họ cũng cắp sách tới trường, cũng nghe giáo sư giảng bài rồi về nhà làm bài, học bài như chúng ta hồi nhỏ vậy. Mà có ai bảo rằng họ không phải là tự học?
Tự học là không ai bắt buộc mà tự mình tìm tòi, học hỏi để hiểu biết thêm. Có thầy hay không, ta không cần biết. Người tự học hoàn toàn làm chủ mình, muốn học môn nào tuỳ ý, muốn học lúc nào cũng được: đó mới là điều kiện quan trọng.”
Các bạn hiểu tự học là thế nào?
Riêng tôi, sau khi tôi biết những điều này, tôi đã thay đổi thái độ và điều chỉnh cách tự học của mình mà đạt được kết quả tốt hơn.
2/ Tự học là một nhu cầu tự nhiên của loài người
Bản thân ta ai cũng có bản năng tò mò muốn hiểu rõ hơn chính thân ta và vũ trụ xung quanh. Nhờ vậy loài người với văn minh, làm chủ vạn vật, nên có người đã nói một cách ngộ nghĩnh: “Người khác loài vật ở chỗ biết hỏi: Tại sao?”
Tuy ai cũng tò mò muốn hiểu biết hơn nhưng chúng ta lại có tánh làm biếng, lười suy nghĩ, không chịu khó tìm tòi, chỉ thích ăn sổi, thích cái vui dễ kiếm. Một khi ta đủ ăn, không cần thấy phải bồi dưỡng tinh thần nữa, nên số người tự học rất ít. Người nào đã kiên trì chuyên tâm cho việc tự học sớm muộn gì cũng vượt hẳn lên trên người khác.
Thú thật với các bạn, biết tò mò và hỏi tại sao giúp tôi không ít trong nghiên cứu học thuật đông y.
3/ Sự cần thiết của tự học
Việc học ở trường lớp là rất quan trọng. Trường lớp cung cấp cho chúng ta kiến thức nền tảng để ta có thể tự học về sau. Vì vậy hãy tích cực học tập ở trường lớp để nền tảng vững vàng.
Nhiều bạn khi học sẽ thắc mắc ở trường dạy không đủ dùng khi đi làm. Theo thiển ý, việc đó là do bản thân ta là chính. Nếu ta biết tự học thì song song với kiến thức trường lớp cung cấp, ta sẽ có những kiến thức mở mà ta tự tìm hiểu được.
Bản thân tôi thấy một điều khá hay là khi ta biết tự học thì việc học trên trường lớp cũng trở nên dễ dàng hơn, hiệu quả hơn. Sự tự học của ta bắt đầu khi ta tò mò muốn hiểu điều gì đó, trong trường lớp hay ngoài đều đúng. Ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường là ta đã tự học rồi. Tự học là cách bổ khuyết cho giáo dục ở trường hiệu quả nhất.
Việc tự học sẽ giúp bạn học chủ động hơn, nhờ đó mà việc học cũng trở nên hứng thú hơn.
4/ Tự học là một cái thú
Ta không thể ghét sự tự học được, nó là một cuộc du lịch.
Tự học là cần thiết nhưng không phải là một sự bắt buộc; ta hoàn toàn được tự do, tự chủ, nhờ vậy nó là một cái thú.
Cái thú tự học cũng giống như cái thú đi chơi bộ ấy. Tự học cũng là một cuộc du lịch, du lịch bằng trí óc, một cuộc du lịch say mê gấp trăm du lịch bằng chân, vì nó là du lịch trong không gian lẫn thời gian. Những sự hiểu biết của loài người là một thế giới mênh mông. Kể làm sao hết được những vật hữu hình và vô hình mà ta sẽ thấy trong cuộc du lịch sách vở?
Khi tự học ta lại có thêm cái quyền là tự lựa chọn giáo sư. Ta đang học mà bỏ ngang, họ không hề giận, lúc khác muốn học lại thì họ vẫn sẵn sàng chỉ bảo. Giáo sư của ta có nhiều vô kể, tha hồ mà lựa chọn. Họ sống đồng thời với ta hoặc trước ta cả chục thế kỷ, ở ngay trong nước ta hoặc cách ta cả ngàn vạn cây số. Hết thảy đều tự thân đem những tinh hoa nhất của họ ra dạy ta mà đối với ta thân mật như bạn bè. Đó chẳng phải là cái thú của tự học hay sao?
5/ Cái lợi khi tự học
Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tự học giúp ta tiếp thu kiến thức tốt hơn. Tự học còn giúp ta tăng tương tác với các thầy cô, giúp buổi học có cảm hứng hơn.
Các bạn thử để ý xem, đa phần ta khi ngồi trên ghế nhà trường đều học rất thụ động, thầy cô dạy cho gì thì biết cái đó. Thậm chí ta còn chẳng thể hấp thu nổi các điều thầy cô đang chú tâm giảng giải.
Khi ta biết tự học, ta sẽ chuẩn bị bài tốt hơn. Trong quá trình chuẩn bị sẽ có những câu hỏi nảy sinh. Nhờ những câu hỏi này, sự tương tác giữa thầy trò tăng lên, ta sẽ trở nên thân thiện hơn trong mắt thầy cô.
Đừng ngại hỏi.
Ngày nào còn ngồi trên ghế nhà trường, ta còn có người để hỏi, để tham khảo ý kiến một cách dễ dàng. Đây là điều mà người ngoài trường lớp không có được.
Còn khi ta đã ra trường, việc tự học mang lại cho ta nhiều cơ hội hơn. Dễ thấy khi đi xin việc, ai có nhiều kỹ năng hơn, kiến thức chuyên môn sâu hơn thì dễ dàng tìm việc hơn. Những người tự học cũng dễ dàng thích nghi với công việc và môi trường làm việc hơn.
Còn nhiều cái lợi khác, ta nên tự tìm hiểu và chiêm nghiệm, vậy sẽ thú vị hơn.
6/ Tôi có tự học được không?
“Mỗi người đều nhận hai thứ giáo dục: một thứ tự người khác truyền cho; một thứ, quan trọng hơn nhiều, do mình tự kiếm lấy” _ Bibbon.
Ai cũng tự học được. Trong sự tự học, không phân biệt tuổi tác, không phân biệt giới tính, không phân biệt địa vị, ai cũng có thể tự học. Cả những người mới chỉ biết đọc biết viết cũng tự học được.
Như vậy là bạn và tôi, chúng ta đều tự học được!
Đăng nhận xét