Do công năng vận hoá thuỷ của Tỳ trong cơ thể suy giảm hoặc quá trình tuần hoàn, bài tiết thuỷ dịch trong cơ thể bị chướng ngại, thuỷ dịch không thể chính thường tư nhuận cơ thể, trái lại dễ hình thành những tích tụ dị thường trong cơ thể, phát triển thành 1 loại bệnh lý vật chất. Loại vật chất do thuỷ dịch tích tụ dị thường lại được Trung y gọi là “đàm ẩm”. Tính chất nó trọc, dính trệ, đặc quánh, thì gọi là “đàm”, ngoài ra còn có loại trong loãng, trong như pha lê thì được gọi là “ẩm”.
Do đó, chữ “đàm” trong ý nghĩa của Trung y không chỉ đơn thuần là nói về những thứ sản sinh ở Phế bộ, thông qua ho có thể bài xuất ra ngoài, đó là cái vật chất chúng ta có thể nhìn thấy, là “đàm” của Trung y, nhưng nó còn bao hàm các sản phẩm bệnh lý sinh ra do sự rối loạn chuyển hoá thuỷ dịch và được đặc trưng bởi bộ đục, độ nhớt và độ đặc dính.
Ví dụ như béo phì, Trung y cũng gọi đó là “đàm”. Do “đờm” không chỉ là sản phẩm hữu hình có thể nhìn thấy khi được bài xuất từ Phế mà còn bao hàm cả “đàm vô hình”. Cả 2 loại này đều là khái niệm cấu thành “đàm” của Trung y
“Đàm hữu hình” chủ yếu tồn tại ở Phế, có thể là sự tự chướng ngại trong vận hoá thuỷ dịch trong cơ thể, nhưng cũng có thể là do tà khí bên ngoài thâm nhập Phế bộ mà sản sinh ra, loại đàm này sau khi sản sinh có thể thông qua ho mà bài xuất ra ngoài, có thể quan sát bằng mắt, do đó cũng khá dễ lý giải.
Đối với “đàm hữu hình” chúng ta đã khá là quen thuộc, vì chúng ta thường gặp nó khi bị cảm mạo ho hắng, nhưng chúng ta cũng cần phải chú ý thêm 1 điều rằng tuy cùng là đờm bài xuất ra từ Phế, nhưng lại có các loại khác nhau. Ví như có loại đàm sắc trắng dính, có loại sắng trắng mà trong loãng, có loại sắc trắng mà lẫn bọt, có loại sắc vàng mà đặc dính, có loại sắc xám đen, có loại vàng xanh,…tuy cùng là đàm nhưng sao lại có sự biến hoá như vậy?
Sau khi phân tích kĩ lưỡng, các loại đàm ở trên được tổng hợp lại và nhận thấy có 2 điểm khác biệt rõ rệt là:
+ Phân loại theo tính chất: đặc dính, trong loãng, có bọt
+ Phân loại theo màu sắc: trắng, xem đen, vàng, vàng xanh
Tính vất và màu sắc khác nhau của đàm có ý nghĩa gì?
Chúng ta có thể thử cho đường vào nước, sẽ được một chất lỏng không màu, nhưng khi cho lên ngọn lửa thì sao? Chúng ta sẽ thấy nước chuyển chuyển sang màu vàng, rồi vàng sẫm thành vàng nâu.
Từ hiện tượng này chúng có có thể suy ra màu sắc và tính chất của đờm có sự liên quan đến “nhiệt” của cơ thể. Ở những người có nhiệt chứng thì đờm thường đặc dính, màu vàng, còn nếu không có nhiệt chứng thì đờm loãng và trắng, nhiệt độ cơ thể càng cao thì màu sắc và tính chất của đàm càng bị biến đổi.
Dựa theo đạo lý này mà Trung y gọi thứ đàm sắc trắng loãng, trong, hoặc có bọt là “hàn đàm”, còn loại đàm có sắc vàng mà đặc dính, nặng hơn thì có màu vàng xanh là “nhiệt đàm”.
Vì tính chất tương phản giữa hàn đàm với nhiệt đàm nên phương phép điều trị chúng cũng hoàn toàn khác nhau. Phép điều trị quan trọng của hàn đàm là ôn hoá hàn đàm, thường dùng các vị như Can khương, Tế tân, Bán hạ chế, Trần bì, Bạch giới tử, Lai phục tử; còn điều trị nhiệt đàm thì quan trọng là thanh nhiệt hoá đàm, thường dùng các vị như Chiết bối mẫu, Xuyên bối mẫu, Thiên trúc hoàng, Đởm nam tinh, Qua lâu, Thiên hoa phấn.v.v…
Nhưng bất luận là hàn đàm hay nhiệt đàm, Trung y khi điều trị đều nhấn mạnh vào chữ “hoá”, ý nghĩa của chữ “hoá” là gì? Trước đây khi chưa có nước máy người ta thường dùng phèn chua để làm trong nước, đó là “hoá”.
Trung y khi điều trị các loại đàm thường sử dụng “hoá đàm dược”, nó có vai trò tương đương với “minh phàn-phèn chua”, có thể phân giải đàm trọc và trầm tích. Từ đó có thể loại bỏ các bệnh do đờm gây ra.
Tây y đối với đàm cho rằng, kì thực cũng có chia làm 2 loại: 1 loại là đàm do nhiễm trùng như vi khuẩn, nấm, mycoplasma, chlamydia; loại còn lại là đờm xuất tiết, thường hình thành do sự bài tiết quá nhiều chất nhày của các tế bào nhầy ở đường hô hấp. Trong đó việc sử dụng kháng sinh có tác dụng nhất định đối với đờm do nhiễm vi khuẩn, còn đối với đờm do nấm mốc, mycoplasma, chlamydia và đờm xuất tiết thì Tây y không có nhiều phương pháp điều trị, vậy Trung y điều trị các bệnh “đàm” này như thế nào?
Trung y cho rằng, các vi sinh vật như nấm mốc, mycoplasma, chlamydia.v.v… vẫn thường tồn tại trong không khí, trong trường hợp bình thường, chúng không gây tổn thương hoặc tác động lên cơ thể con người. Nhưng nếu thuỷ thấp trong cơ thể quá độ sẽ tạo môi trường phát triển cho các vi sinh vật từ đó gây ra ảnh hưởng đến sức khoẻ và gây bệnh.
Do đó, đối với loại bệnh này, thì độ ẩm của môi trường trong cơ thể con người là căn nguyên thật sự. Cũng giống như môi trường ẩm uất mùa mưa dễ khiến nấm mốc sinh sôi làm hỏng các đồ vật, vậy thì có khác gì với cơ thể đâu?
Vậy làm cách nào để trị đàm do độ ẩm trong cơ thể quá cao? Như trong đời sống hằng ngày, ẩm ướt thường đi liền với mưa, khi trời quang mây tạnh thì môi trường ẩm ướt sẽ không thể hình thành. Vậy nên khi điều trị chúng ta thường sử dụng dược vị có tính ô nhiệt để trừ đàm ẩm.
Trọng Cảnh trong <Kim quỹ yếu lược> cũng đã đưa ra nguyên tắc điều trị “bệnh đàm ẩm giả, đáng dĩ ôn dược hoà chi”. Điều này vẫn được ứng dụng cho đến tận ngày nay.
Đàm vô hình
Trên là luận thuật về đàm hữu hình, vậy còn đàm vô hình là gì, chúng ta đánh giá sự tồn tại của nó thế nào? Có 4 cách để phán đoán đàm vô hình trong cơ thể
1/ Béo phì. Trung y cho rằng “phì nhân đa đàm thấp”, điều này chỉ ra trong cơ thể người béo phì đa phần có tồn tại “đàm vô hình”, do đàm có tính uế trọc, dính nhớt, đặc quánh, là sự ngưng tụ của “phần uế trọc” trong thuỷ thấp, tích tụ lại trong cơ thể mà thành.
2/ Rêu lưỡi dầy dính. Đó là biểu hiện của thuỷ thấp uế trọc quá nhiều có thể quan sát trực tiếp được.
3/ Thũng khối. Phàm là thũng khối có sắc không đỏ, đột nhiên xuất hiện ở da mặt, kết tiết lại, mềm hoặc dai khi ấn. Bên trong nó thường chứa thuỷ dịch, niêm dịch hoặc các chất giống như chất nhày, được Trung y gọi là “đàm khối”.
4/ Mạch Hoạt. Trung y dựa trên cảm giác khác nhau khi bắt mạch mà chia thành hơn 20 loại mạch, mạch Hoạt là một trong số đó mà nó được mô tả là “vãng lai lưu lợi, như châu tẩu bàn”. Tức là giống như viên ngọc lăn trên một cái đĩa trơn nhẵn rất trôi chảy và nhanh, sự xuất hiện của mạch Hoạt được coi là biểu hiện đặc trưng của đàm trong cơ thể, và nó cũng là một trong những điểm chủ yếu để chẩn đoán có đàm trong Trung y.
Căn cứ vào nhận thức của Trung y đối với đàm, thì khái niệm “đàm vô hình” có thể được thực hiện cụ thể và trực quan hơn dưới sự giúp đỡ của phương pháp soi hiển vi của Tây y. Ví dụ như các bệnh của Tây y như mỡ máu, nang thũng, lao hạch,…đều là những bệnh có đặc điểm là uế trọc, niêm dính, đặc quánh, nên cũng có thể coi đó là những bệnh do đàm, nó giúp mở rộng phần tứ chẩn của Trung y.
Thông qua nhận thức về cơ chế sản sinh của đàm chúng ta có thể liên kết việc sản sinh các bệnh lý này với trạng thái cân bằng chỉnh thể của cơ thể và tìm ra phương phép điều trị căn bản của bệnh. Ví dụ như bệnh mỡ máu, nang thũng,v.v…chúng đều phù hợp với đặc điểm của đàm theo góc nhìn của Trung y, điều này có liên quan đến vận hoá thất thường của Tỳ, khiến thuỷ thấp đàm trọc bên trong cơ thể quá nhiều, điều này là cơ sở hình thành nên phương pháp điều trị là kiện Tỳ trợ vận, hoá đàm nhuyễn kiên. Vì điều trị căn nguyên sinh ra đàm nên hiệu quả điều trị được kéo dài.
Ở đây tôi có đưa ra 2 trường hợp:
Trường hợp 1: bệnh nhân bị chứng mỡ máu, dùng thuốc không hiệu quả rõ rệt, tự cảm thấy chóng mặt, mệt mỏi, tinh thần bất chấn, ăn kém, ban ngày ham ngủ, đêm mơ nhiều, tâm hoảng tâm quý, đại tiện thường không thành khuôn, sắc mặt không đẹp, rêu lưỡi trắng nhợt, 2 mạch tượng đều Tế Vi vô lực. Chẩn đoán là Tỳ hư không thể vận hoá thuỷ thấp, dẫn đến đàm trọc ngưng tụ bên trong cơ thể, lưu trệ ở trong huyết mạch, ảnh ưởng đến sự vận hành khí huyết mà thành bệnh. Phép điều trị là kiện tỳ hoá đàm: Bạch truật sao 30g, Đẳng sâm 15g, Trần bì 10g, Bán hạ 10g, Cam thảo 6g, Phục linh 15g, Quất lạc 6g, Đởm nam tinh 10g, Sơn tra 15g, Sinh khương 5 lát. Sau 7 tễ, đã tự thấy tinh thần và vị giác cải thiện, chóng mặt giảm được quá nửa, đại tiện cơ bản thành khuôn, cho bệnh nhân dùng tiếp 7 tễ nữa. Sau đó bệnh nhân khám lại thì các chứng trạng cơ bản đã không còn rõ rệt, mỡ máu cũng trở về giới hạn bình thường.
Trường hợp 2: một bệnh nhân bị “oa nang thũng-u nang bao hoạt dịch khoeo chân”. Trung y cho rằng “nang thũng” hình thành là kết quả của việc tích tụ đàm trọc trong cơ thể, mà sự sản sinh của đàm trọc lại có quan hệ với công năng vận hoá thuỷ thấp của Tỳ, do đó thông qua cải thiện và tăng cường công năng vận hoá thuỷ thấp của Tỳ là đã có thể khứ được đàm trọc tích tụ trong cơ thể, theo đó mà tiêu trừ nang thũng. Dựa trên ý tưởng này, tôi đã cho bệnh nhân dùng phương thuốc có tác dụng kiện tỳ hoá thấp, lợi thấp tiêu thũng: Bạch truật 45g, Trạch tả 15g, Hoạt thạch 15g, Trư linh 10g, Phục linh 15g, Phục linh 15g, Quế chi 10g, Bán hạ 20g, Chế nam tinh 10g, Ý dĩ nhân 30g, Thanh bì 10g. Bệnh nhân dùng liên tục sau 1 tháng thì u nang đã hoàn toàn biến mất. căn cứ sự biến đổi của chứng trạng mà dược vật được gia giảm cho phù hợp, nhưng vẫn lấy các vị thuốc trên làm chủ.
Không khó để có thể nhận thấy từ 2 trường hợp này, Trung y luận về đàm là hoàn toàn dựa trên kinh nghiệm thực chiến.
Nếu như Tỳ vận hoá thuỷ thấp không tốt, sẽ dễ dẫn đến thuỷ thấp tích tụ ở trong cơ thể, những vật chất uế trọc trong thuỷ thấp khi ngưng kết ở 1 bộ trong cơ thể thì sẽ hình thành đàm khối, như nang thũng trên mặt, kết hạch bạch huyết, hoạt kết hạch; cũng như vậy nó có thể đi vào kinh lạc huyết mạch và thông qua đó đi đến các bộ phận khác nhau trên cơ thể, chẳng hạn như chứng mỡ máu ở trên. Các chất uế trọc này có tính niêm trệ nên thường dẫn đến khí huyết bị cản trở trong kinh lạc, huyết quản, khiến tổ chức tạng phủ sản sinh tình trạng thiếu máu, thiếu oxy, dẫn đến các bệnh lý khác nhau. Ví dụ như đàm ở não bộ, sẽ ảnh hưởng đến việc cung cấp máu não, từ đó xuất hiện chóng mặt, hay quên, buồn ngủ, thậm chí hôn mê, bán thân bất toại, nói khó,v.v…như Tây y gọi đó là Não ngạnh tắc, phần nhiều là do đàm trong Trung y gây ra.
Đàm ở kinh lạc tứ chi thì dẫn đến sự cung cấp huyết dịch cho tứ chi bị chướng ngại, theo đó mà xuất hiện tứ chi tê dại, tay chân nghịch lãnh; đàm ở huyết mạch thì dẫn đến tự bản thân tâm tạng không được cấp đủ máu mà sản sinh tâm quý tâm hoảng, nhịp tim thất thường, tâm hung giảo thống,v.v…như Tây y gọi đó là bệnh mạch vành, trong nhiều trường hợp nó cũng liên quan mật thiết đến đàm.
Ngoài ra đàm còn ảnh hưởng đến trạng thái tinh thần, nếu các uế trọc của đàm thấp làm trở ngại khí của cơ thể sẽ ảnh hưởng đến hoạt động tư duy tinh thần như xuất hiện nói luôn mồm, trầm uất, vô cớ bi thường,v.v…và các trạng thái rối loạn tâm thần khác. Do Trung y cho rằng tâm chủ thần chí cho nên khi đờm trọc quá thịnh mà ảnh hưởng đến tâm thần thì gọi đó là “đàm mê tâm khiếu”.
Tính du tẩu của đàm
Về tính du tẩu của đàm, Chu Đan Khê-danh y thời nhà Nguyên nói rằng: „đàm chi vi vật, tuỳ khí thăng giáng, vô xứ bất đáo“. Cũng chính do nguyên nhân đặc trưng của đàm là "không nơi nào không đến“, cho nên Trung y cho rằng quái bệnh hoặc những bệnh khó điều trị đều đổ lỗi cho đàm, tức là „quái bệnh đa đàm“.
Tôi từng điều trị cho 1 bệnh nhân bị chóng mặt hơn 1 năm, sau khi ngồi xổm hoặc ngồi lâu nếu đột ngột đứng lên sẽ thấy mắt tối sầm, thậm chí có khi ngất xỉu. Thường cảm thấy buồn ngủ cả ngày, tinh thần yếu, giọng nói trầm, nước da nhợt nhạt, ăn không ngon, nhị tiện bình thường, lưỡi đỏ nhợt, rêu trắng mỏng, mạch 2 tay đều Tế Nhược vô lực. Gần 1 tháng nay tình trạng chóng mặt tăng nặng. Tây y chẩn đoán: thiếu máu não. Khi đó tôi đã nghĩ, đó không phải là chứng trung khí hạ hãm điển hình hay sao? Khí hư hạ hãm, dẫn đến khí huyết không thể thượng thăng nhu dưỡng vùng đầu, chứng này không dễ trị sao? Tôi cho dùng 5 tễ Bổ trung ích khí thang, sau khi kê đơn, tôi tự tin nói với bệnh nhân sau 5 tễ bệnh sẽ cải thiện. Sau 5 ngày bệnh nhân khám lại, nhưng chứng chóng mặt vẫn chưa được cải thiện. Chính bệnh nhân đã tự an ủi tôi là bệnh đã lâu năm nên cũng khó mà khỏi được. Tôi cẩn thận hỏi thăm tình trạng bệnh nhân, đưa ra kết luận là khí hư hạ hãm, biện chứng không sai, tại sao không hiệu quả? Khi này tôi nhớ ra câu nói „bách bệnh trung đa kiêm hữu đàm“, chắc chắn trường hợp này là khí hư, dẫn đến vận hoá thuỷ thấp thất thường, đàm trọc nội sinh, đàm trọc trở ngại trong não mà thành chứng chóng mặt. Phương trước điều trị không hiệu quả vì chỉ tập trung vào khí hư, lần này tôi gia giảm phương dược như sau: Hoàng kỳ 15g, Đẳng sâm 15g, Bạch truật sao 12g, Bán hạ 10g, Phục linh 10g, Trần bì 6g, Xuyên khung 10g, Thăng ma 3g, Sài hồ 3g, Cát cánh 6g, Quất lạc 6g, Nam tinh chế 6g, dùng 5 tễ. Sau 5 ngày tình trạng chóng mặt được cải thiện, sau đó tiếp tục dùng thuốc cải thiện, sau 1 tháng hết chóng mặt, theo dõi thêm 1 năm bệnh không tái phát.
Hội chứng Meniere cũng do đàm thấp gây ra
Đặc điểm chính trên lâm sàng là chóng mặt kịch phát, thường xuyên tái phát, khi bệnh phát bệnh nhân thấy đồ vật xung quanh xoay tròn như đang ngồi xe, ngồi thuyền, kèm theo cảm giác buồn nôn, nôn, đầu óc choáng váng, đau nhức, khi vận động thì chóng mặt, nôn mửa càng nặng. Vì vậy bệnh nhân thường chỉ dám nằm im nhắm mắt không dám cử động, một số người còn có cảm giác tắc nghẽn trong tai, ù tai, hoặc rung giật nhãn cầu.
Tây y cho rằng bệnh này là do tăng dịch bạch huyết trong tai, khiến áp lực tăng cao dẫn đến chóng mặt.
Tôi căn cứ vào Trọng Cảnh <Kim quỹ yếu lược> có chứng “mạo huyễn”, là ý buồn nôn,, nôn, mạo huyễn cũng là chỉ 1 loại bệnh tật khi phát tác có huyễn vựng và buồn nôn, ẩu thổ cùng xuất hiện.
Trọng Cảnh cho rằng là do “tâm hạ hữu chi ẩm” gây ra, còn với hội chứng Meniere này thì y học hiện đại cho rằng bệnh này do thuỷ ẩm đình lưu ở trong tai mà thành, phù hợp với phương “Trạch tả thang” trong <Kim quỹ yếu lược>, sử dụng trên lâm sàng có hiệu quả rất tốt.
Trạch tả thang chỉ có 2 vị là Trạch tả và Bạch truật. Trạch tả, trong <Thần nông bản thảo> có ghi tác dụng là “chủ phong hàn thấp tý, tiêu thuỷ”, Bạch truật trong <Danh y biệt lục> của Đào Hoằng Cảnh nói là “tiêu đàm thuỷ, trục bì gian phong thuỷ kết thũng”, còn cho rằng nó có thể “noãn Vị tiêu cốc”. Hai vị này kết hợp lại, Trạch tả thông lợi tiểu tiện, trừ thuỷ ẩm trong cơ thể là chủ, Bạch truật kiện Tỳ tiêu đàm thuỷ là bổ sung. Cả 2 vị này lấy trừ thuỷ ẩm tích tụ làm ngọn mà cắt đứt con đường sinh đàm ẩm do Tỳ hư làm gốc, do đó dược vị tuy ít mà hiệu quả nhanh chóng.
Tôi từng điều trị cho 1 nữ bệnh nhân 43 tuổi, bị hội chứng Meniere hơn 3 năm. Lần này do mệt mỏi mà bệnh phát tác, tự cảm giác xung quanh xoay chuyển, buồn nôn, nôn, không thể ăn, uống vào thì nôn. Khi nằm im trên giường thì cảm giác tốt hơn một chút, nhưng khi vận động thì bệnh tăng kịch. Cảm giác vùng đầu nặng, tiếng nỏi nhỏ, trong quá trình hỏi bệnh đã 2 lần chị ấy phải ra cửa nôn, nôn ra toàn nước trong, tự kể đã 1 ngày nay không thể ăn gì, thường xuyên có cảm giác lợm giọng buồn nôn, lưỡi nhợt rêu trắng dính, mạch Huyền. Căn cứ vào đường lối tư duy “ẩm đình nội nhĩ” cho dùng Trạch tả thang: Trạch tả 30g, Bạch truật sao 45g. Dùng 1 bát nước sắc còn nửa bát, uống ấm. Đồng thời dặn bệnh nhân không uống liền một lúc, chỉ uống từng ngụm một, nếu không có gì khó chịu thì tiếp tục uống như vậy cho đến khi hết nửa bát thuốc. Sau khi dùng thuốc bệnh nhân không nôn, ngủ li bì đến sáng hôm sau mới dậy, sau khi tỉnh dậy tự cảm thấy bệnh biến mất, sau đó dùng thêm thuốc kiện Tỳ hoá thấp điều lý thêm 2 ngày, bệnh tình ổn định, cho đến nay vẫn chưa tái phát.
Tác giả: Đường Vân
Đăng nhận xét